0

Những giai đoạn của trầm cảm (phần 2) | Safe and Sound

Theo các chuyên gia tâm lý, trầm cảm điển hình bình thường được biểu hiện bằng khí sắc trầm, mất mọi quan tâm hay thích thú, giảm năng lượng dẫn tới tăng sự mệt mỏi và giảm hoạt động, các triệu chứng tồn tại trong khoảng thời gian ít nhất là 2 tuần. Giai đoạn trầm cảm là một giai đoạn khởi đầu cho các rối loạn cảm xúc tiếp theo. 

Nguyễn Thị Hồng Hạnh | Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

4. Các giai đoạn trầm cảm

4.2. Giai đoạn trầm cảm vừa

Các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần cho biết, giai đoạn trầm cảm vừa khi người bệnh có ít nhất hai trong ba triệu chứng điển hình nhất đặc trưng cho giai đoạn trầm cảm nhẹ, cộng thêm ít nhất 3 (và tốt hơn là 4) những triệu chứng khác. Nhiều triệu chứng có thể biểu hiện rõ rệt nhưng điều này không nhất thiết nếu có rất nhiều loại triệu chứng khác nhau. Thời gian tối thiểu của cả giai đoạn khoảng 2 tuần. 

Bệnh nhân với giai đoạn trầm cảm vừa thường có nhiều khó khăn để tiếp tục hoạt động xã hội, nghề nghiệp hoặc công việc gia đình.

  • Không có triệu chứng cơ thể: Có đủ tiêu chuẩn cho một giai đoạn trầm cảm vừa và có ít triệu chứng cơ thể.
  • Có các triệu chứng cơ thể: Có đủ tiêu chuẩn cho một giai đoạn trầm cảm vừa và có 4 hoặc nhiều hơn các triệu chứng cơ thể. 

Ảnh 1: Ở giai đoạn trầm cảm vừa, người bệnh thường có nhiều khó khăn để tiếp tục hoạt động xã hội, nghề nghiệp hoặc công việc gia đình

4.3. Giai đoạn trầm cảm nặng, không có các triệu chứng loạn thần

Trong giai đoạn trầm cảm nặng, các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần cho rằng, người bệnh thường biểu lộ buồn chán nặng hoặc kích động, trừ khi biểu hiện chậm chạp rõ nét. Mất tự tin hoặc cảm thấy vô dụng hoặc tội lỗi dường như chiếm ưu thế. Tự sát là hành vi nguy hiểm rõ ràng trong những trường hợp đặc biệt trầm trọng. Hội chứng cơ thể hầu như luôn luôn có mặt trong giai đoạn trầm cảm nặng.

Có 3 trong số những triệu chứng điển hình để khẳng định giai đoạn trầm cảm nhẹ và vừa, cộng thêm ít nhất 4 triệu chứng khác và một số phải đặc biệt nặng. Tuy nhiên, nếu có những triệu chứng quan trọng như kích động hoặc chậm chạp rõ nét thì bệnh nhân có thể không muốn hoặc không thể mô tả nhiều triệu chứng một cách chi tiết. Theo các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý, trong những trường hợp như vậy, việc phân loại toàn bộ một giai đoạn trầm trọng có thể vẫn còn được chấp nhận. Giai đoạn trầm cảm thường kéo dài ít nhất 2 tuần nhưng nếu các triệu chứng đặc biệt nặng và khởi phát rất nhanh thì có thể làm chẩn đoán này trước 2 tuần. 

Trong giai đoạn trầm cảm nặng, người bệnh có thể ít khả năng tiếp tục công việc xã hội, nghề nghiệp hoặc công việc gia đình, trừ khi ở phạm vi rất hạn chế.

4.4. Giai đoạn trầm cảm nặng kèm theo các triệu chứng loạn thần

 

Ảnh 2: Bệnh nhân có các triệu chứng hoang tưởng, ảo thanh hoặc ảo khứu,...

Các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý cho biết, một giai đoạn trầm cảm nặng thoả mãn các tiêu chuẩn đã nêu ra trong mục các triệu chứng của giai đoạn trầm cảm, trong đó có các hoang tưởng, ảo giác hoặc sững sờ trầm cảm. Các hoang tưởng thường bao gồm những ý tưởng tội lỗi, thấp hàn hoặc những tai họa sắp xảy ra, trách nhiệm bệnh nhân phải gánh chịu. Những ảo thanh hoặc ảo khứu thường là giọng kết tội hoặc phỉ báng hoặc mùi rác mục hoặc thịt thối rữa. Sự chậm chạp tâm thần vận động nặng có thể dẫn đến sững sờ. Nếu cần, hoang tưởng hoặc ảo giác có thể được phân rõ là phù hợp hoặc không phù hợp với rối loạn khí sắc.

5. Điều trị trầm cảm

5.1. Liệu pháp hoá dược

Các thuốc chống trầm cảm điều chỉnh số lượng và hoạt tính các chất dẫn truyền thần kinh (Serotonin, Noradrenalin,...) đang bị rối loạn được bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý sử dụng để điều trị trầm cảm. Thời gian để thuốc chống trầm cảm có tác dụng là 7 - 10 ngày sau khi đạt liều điều trị. Trầm cảm có thể không đáp ứng với thuốc này vẫn có thể đáp ứng với thuốc chống trầm cảm khác. 

5.2. Điều trị tâm lý

Ảnh 3: Nhà trị liệu sẽ hỗ trợ điều trị trầm cảm cho người bệnh

Liệu pháp tâm lý được xem là phương pháp điều trị trầm cảm hiệu quả. Việc trị liệu tâm lý không chỉ giúp bệnh nhân dần dần hồi phục trở lại, thoát khỏi sự phiền nhiễu của trầm cảm, mà còn giúp bệnh nhân hiểu thêm về bản thân mình, tăng sự tự tin và thích nghi với cuộc sống.

5.3. Liệu pháp sốc điện

Được chỉ định ưu tiên trong các trường hợp trầm cảm nặng có ý tưởng và hành vi tự sát, trầm cảm kháng thuốc và khi các liệu pháp điều trị trầm cảm khác không có kết quả. Cần tuân thủ chống chỉ định để phòng ngừa tai biến xảy ra trong khi sốc điện.

: Những giai đoạn của trầm cảm (phần 2) | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound